Hoành phi Câu đối là là bộ đồ thờ có tác dụng để trang trí cho không gian thờ thêm uy nghi và sang trọng. Không gian thờ ở đây có thể là phòng thờ gia tiên, nhà thờ họ, gian thờ trong chùa. Tùy từng mục đích sử dụng mà người ta chọn kích thước và treo hoành phi câu đối sao cho phù hợp……..
Hoành phi câu đối đều mang ý nghĩa tỏ lòng tôn kính của con cháu đối với tổ tiên, ca tụng công đức của tổ tiên, ghi lại những lời răn dạy con cháu, hoặc thể hiện ước nguyện cầu mong sự bình an, thái bình .
Có hai loại hoành phi khá phổ biến ở nước ta: hoành phi trang trí và hoành phi thờ tự. Hoành phi trang trí thường được treo ở phòng khách hay ở chính đường (gian giữa của tòa nhà), vừa để trang trí, vừa thể hiện một tín niệm nào đó của chủ nhân, có khi là một lời khuyên dạy của tiền nhân với hậu duệ trong gia tộc. Hoành phi thờ tự là loại hoành phi phổ biến trong các đình chùa, miếu vũ, nhà thờ họ tộc…
Nội dung của hoành phi thường nghiêm túc, trang trọng. Hình thức của hoành phi cũng rất phong phú: có khi chỉ là một mảnh gỗ hình chữ nhật có khung bao quanh, văn tự thể hiện chân phương, sơn son thếp vàng; có khi hoành phi được thể hiện kiểu cuốn thư, văn tự khắc nổi hay chạm sâu theo các kiểu chữ triện, chữ lệ rất cầu kỳ, được sơn thếp rực rỡ, khung ngoài có khắc chạm các đồ án trang trí rất tinh xảo.
Câu đối còn gọi là doanh thiếp, doanh liên hay đối liên. Doanh, chữ Hán nghĩa là ‘cây cột’, thiếp là ‘tờ giấy’, liên là ‘liên kết’, đối là ‘đi đôi, song song, một cặp đối xứng’. Thuở trước, câu đối còn được gọi là liên hay liễn. Liễn là hai tấm giấy, hoặc hai vóc lụa dài để viết câu đối, có nẹp trục để cuộn.(*) Câu đối là một loại hình văn hóa rất được người Việt ưa thích, từ tầng lớp thường dân cho đến các bậc thức giả, quyền quý. Câu đối xuất hiện trong rất nhiều sinh hoạt đời thường của dân ta: đón Tết, mừng xuân, tân gia, hôn sự, sinh con, đỗ đạt, thăng tiến, vinh danh, tuyên dương, vịnh cảnh, bài trí ở các nơi thờ tự, tôn miếu, chùa chiền… Thậm chí có cả những câu đối dùng để chê người, chửi đời…
Câu đối ngày trước viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm. Câu đối đời nay viết bằng chữ quốc ngữ, theo kiểu “thư pháp Việt”. Câu đối được viết, khắc, chạm trổ… trên rất nhiều chất liệu khác nhau: giấy, lụa, gỗ, đá, kim loại… muôn hình vạn trạng.
Về nội dung, có loại câu đối trích dẫn nhiều điển tích, kinh điển; có loại ngôn ngữ mộc mạc chân chất. Có câu đối dùng để chúc tụng, biếu tặng nên hình thức cầu kỳ, chạm khắc tinh xảo, sơn thếp sang trọng. Có câu đối viết trên giấy, trên vải dùng để trang trí trong nhà dăm ba bữa Tết. Có câu đối chỉ đọc cho người khác nghe, xong rồi thôi, không lưu lại bút tích.
Phân loại câu đối hoành phi
Theo mục đích sử dụng người ta chia thành các loại dưới đây:
– Loại thờ cúng: Dùng cho các đình, đền, miếu mạo thờ các vị thiên thần hoặc nhân thần, dùng cho nhà thờ thủy tổ, tiên tổ, các họ, bàn thờ gia tiên các gia đình và chi họ, dùng cho lăng mộ.
– Loại chúc tụng: Mừng thọ, mừng xuân, mừng nhà mới, mừng khai trương cửa hàng, kết hợp trang trí phòng khách và tự vịnh, tự thọ.
– Loại khiển hứng: Dùng để tiêu khiển, ghi cảm hứng, tự tình tự sự, thù tiếp khách bạn, trang trí phòng khách.
– Loại giáo huấn: Gồm các châm ngôn tự răn mình, răn đời, giáo dục con cháu, dùng dể trang trí phòng học hoặc phòng khách.
– Loại trướng điếu: Dùng cho lễ tang để tỏ lòng thương tiếc đối với ông bà, cha mẹ và thân nhân khác…
Hoành phi câu đối thường được làm bằng gỗ, đồng. Tuy nhiên theo tín ngưỡng tâm linh Việt thì nên dùng gỗ làm hoành phi câu đối.
Các loại gỗ tốt hay dùng là: gỗ mít, gỗ gụ, gỗ dổi, gỗ hương.
Cuốn thư đẹp có tính thẩm mỹ cao với nhiều hoa văn rồng phụng được chạm khắc tinh xảo, cuốn thư trở thành món lễ vật, quà tặng trong những dịp quan trọng như vinh quy bái tổ, mừng thọ, mừng tân gia,…
+ Cuốn Thư Không chỉ mang lại nét đẹp truyền thống, sang trọng, hình ảnh cây bút và cây kiếm trên cuốn thư tượng trưng cho kiến thức và sức mạnh, giúp ngăn chặn tà khí, làm thanh tịnh cho không gian thờ cúng.
+ Cuốn thư còn có ý nghĩa về mặt thẩm mỹ, những hoa văn tinh xảo cổ kính trên thân cuốn thư rất bắt mắt và thể hiện được trình độ tay nghề của người thợ.